THỊT HEO CHÂU ÂU

An toàn

Truy xuất nguồn gốc

Truy xuất nguồn gốc là một khía cạnh quan trọng để duy trì an toàn thực phẩm ở Liên minh Châu Âu, cho phép theo dõi thực phẩm, thức ăn chăn nuôi và các thành phần trong tất cả các giai đoạn của chuỗi sản xuất và phân phối để giải quyết rủi ro và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Truy xuất nguồn gốc là điều cần thiết khi phát hiện ra rủi ro trong thực phẩm, vì nó cho phép các cơ quan chức năng truy ngược lại nguồn gốc của vấn đề và xử lý vấn đề này để giảm tối đa thiệt hại có thể xảy đến với người tiêu dùng và giảm thiểu rủi ro kinh tế trong chuỗi sản xuất và phân phối.

Luật truy xuất nguồn gốc của Liên minh Châu Âu tuân theo chính sách “lùi một bước – tiến một bước”, bắt buộc mọi doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm phải luôn theo dõi nhà cung cấp trực tiếp và khách hàng trực tiếp của mọi sản phẩm. Các nhà điều hành doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm cần lưu giữ thông tin như tên và địa chỉ của nhà cung cấp/khách hàng, số lượng và mô tả về thực phẩm, tham chiếu xác định lô hoặc đợt hàng và ngày gửi đi.

Truy xuất nguồn gốc bao gồm mọi khía cạnh của ngành chăn nuôi heo và sản xuất thịt heo, theo cách này, mọi con vật phải được gắn thẻ như một phần trong đàn. Tại lò mổ, các miếng thịt heo được đóng dấu riêng biệt với mã truy xuất nguồn gốc của lò mổ để nhận dạng từng đàn heo dựa vào cơ sở chăn nuôi và từng miếng thịt riêng lẻ. Sau khi thịt được chế biến và đóng gói, sản phẩm sẽ có số lô xác định nhà máy chế biến và từ đó bất kỳ ai cũng có thể truy ngược thông tin trong toàn bộ chuỗi sản xuất cho đến đàn heo và nơi nuôi heo.

An toàn sinh học

Các biện pháp an toàn sinh học là chìa khóa để phát triển chăn nuôi heo ở Liên minh Châu Âu, vì chúng có tác dụng ngăn ngừa các mối đe dọa đối với sức khỏe động vật và con người. Các biện pháp an toàn sinh học bao gồm quy định về việc di chuyển của người ra vào trang trại, quy trình vệ sinhkhử trùng cơ sở và việc sử dụng đồ bảo hộ của nhân viên.

Tất cả công nhân và khách vào các tòa nhà trang trại đều phải trải qua các bước khác nhau để đảm bảo khử trùng. Sự an toàn và sức khỏe của heo là điều cần thiết để duy trì các tiêu chuẩn chất lượng cao nhất mà tất cả các trang trại ở Châu Âu đều tuân theo, vì vậy những người tiếp xúc với trang trại phải tắm rửa, khử trùng tay và luôn mặc đồ bảo hộ như quần áo dành riêng cho trang trại và khẩu trang.

Các biện pháp an toàn sinh học tương tự được thực hiện trong suốt phần còn lại của quy trình sản xuất, bao gồm cả trong các phương tiện vận chuyển động vật sống, lò mổ, nhà máy chế biến và đóng gói, v.v., vì vậy, sự an toàn của sản phẩm được đảm bảo từ trang trại đến bàn ăn.

Kiểm soát dịch bệnh

Để ngăn chặn, kiểm soát và tiêu diệt dịch bệnh, Liên minh Châu Âu đã đưa ra một bộ luật cụ thể đối với một số bệnh liên quan đến động vật tùy thuộc vào tác động tiềm tàng của chúng. Các biện pháp lập pháp này bao gồm nghĩa vụ thông báo đối với các trường hợp mới, phương pháp chẩn đoán, điều trị và giám sát các trường hợp.

Liên quan đến các dịch bệnh ảnh hưởng đến heo, Liên minh Châu Âu có luật cụ thể đối với Dịch tả heo Châu Phi, Dịch tả heo cổ điển, bệnh lở mồm long móng và Dịch tiêu chảy ở heo. Để nhanh chóng kiểm soát các đợt dịch bùng phát có thể xảy ra, Liên minh Châu Âu đã thành lập Hệ thống thông báo dịch bệnh động vật (ADNS), đảm bảo trao đổi thông tin nhanh chóng giữa các cơ quan có thẩm quyền chịu trách nhiệm về sức khỏe động vật ở mỗi quốc gia Liên minh Châu Âu và Ủy ban về bùng phát các bệnh truyền nhiễm ở động vật.

An toàn thức ăn chăn nuôi

Để đảm bảo rằng sản phẩm cuối cùng an toàn cho người tiêu dùng, Liên minh Châu Âu chú trọng đến chất lượng thức ăn chăn nuôi, thực thi lệnh cấm sử dụng kháng sinh, hóc môn và chất kích thích tăng trưởng trong thức ăn chăn nuôi. Chăm sóc vật nuôi đúng cách và để chúng phát triển tự nhiên là những đặc điểm để phân biệt cách chăn nuôi heo ở châu Âu. Việc sử dụng bất kỳ chất nào có tác dụng kích thích hóc môn nhằm thúc đẩy tăng trưởng ở động vật trang trại đều bị cấm ở Liên minh Châu Âu kể từ năm 1981 cũng như các chất phụ gia khác được sử dụng để thúc đẩy tăng trưởng như ractopamine. Ngoài ra, năm 2006, Liên minh Châu Âu đã cấm tất cả các loại kháng sinh được sử dụng làm chất kích thích tăng trưởng trong thức ăn chăn nuôi, quy định việc sử dụng chúng để điều trị bệnh dưới sự giám sát của bác sĩ thú y, đồng thời kiểm soát hàm lượng các chất không mong muốn như kim loại nặng có trong thức ăn chăn nuôi. Tham khảo tại Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu để biết thêm thông tin về chất phụ gia thức ăn chăn nuôi và cách thức kiểm soát ở Liên minh Châu Âu.

Bằng cách này, có thể đảm bảo rằng thịt heo châu Âu đạt được các tiêu chuẩn an toàn về giới hạn dư lượng tối đa. Thịt của Liên minh Châu Âu hoàn toàn không chứa kháng sinh cũng như các loại thuốc và các chất khác mà có thể gây hại đến sức khỏe con người.

Chất lượng và độ an toàn của thức ăn chăn nuôi không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của vật nuôi và người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến độ mềm và hương vị của thịt. Do đó, thịt heo châu Âu từ những con heo được nuôi bằng ngũ cốc chất lượng, không chỉ an toàn mà còn cho thịt mềm và ngon ngọt đặc biệt.